Cùng đón chúa xuân giữa lòng châu Âu


Năm 2001 tôi du học tại Đại học Liège, Vương Quốc Bỉ. Không phải là lần đầu xa nhà vào ngày tết nên tôi chờ đón dịp đặc biệt này một cách phấn khích trong khi những tu nghiệp sinh khác đang phát sốt vì nhớ quê. Khi nghe giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, trưởng khoa của khoa “Cơ học Phá hủy”, Đại học Liège (và là chủ nhiệm chương trình đào tạo Cao học Bỉ - Việt MCMC) gợi ý nhóm tu nghiệp sinh ở Liège chúng tôi nên tham gia văn nghệ cùng đón Xuân do Sứ Quán Việt Nam tổ chức ở thủ đô Bruxelles, tôi tán thành nhiệt liệt.
Tập văn nghệ cùng đón Xuân:
Thầy Hưng có một tâm hồn văn nghệ vô cùng dạt dào nên đã có một “tham vọng” thành lập ban văn nghệ “Những cánh chim Liège” với số tiết mục đăng ký lên đến hơn mười bài. Thầy “tổng động viên” toàn bộ lực lượng tu nghiệp sinh là học trò của thầy và tôi, một du học sinh “cô đơn” vì không nằm trong tổ chức nào cả. Chúng tôi đến nhà thầy tập hát đồng ca, những bản nhạc xuân do thầy sưu tầm, photo cẩn thận đưa từng người. Cậu bạn Huy Gia có ngón đàn guitar rất điêu luyện nhưng do phải một mình chiến đấu với cả chục tiết mục, bàn tay cậu muốn sưng vù. Bản thân thầy Hưng thì “máu” tới mức một mình đăng ký hai tiết mục đơn ca, một bài tiếng Anh và một tiếng Pháp. Tôi là nữ duy nhất trong dàn “văn nghệ củ gừng” của nhóm Liège nên được đặt cách làm MC bằng tiếng Pháp, dẫn chương trình song song cùng một MC nam dịch tiếng Việt. Thấy đám chúng tôi tập tành có vẻ tài tử quá, thầy Hưng phải nhấn mạnh “Nghiêm túc lên! Có dân Tây, khách Bỉ, khách Pháp và khách ngoại giao quốc tế đến từ khắp nới đó!”. Để tăng năng suất những buổi tập, thầy Hưng và cô Mai, vợ thầy, đã cất công nấu nướng bồi dưỡng những ca sĩ nghiệp dư vốn chỉ là những con mọt sách. Càng về sau thầy cô có vẻ “đuối” vì phải nấu món ăn Việt cầu kỳ cho cả nhóm mười mấy người ăn nên chúng tôi chuyển sang ăn spaghetti cho nhanh. Thầy có recette (cách nấu) làm spaghetti rất “Việt Nam hóa”, thay vì nêm bằng muối và ăn kèm phô-mai, thầy lại cho nước mắm vào thoải mái. Dân Ý ăn chắc la làng nhưng đám chúng tôi ăn tới tấp khen ngon. Đúng là dân mình không sao sống thiếu nước mắm mà tụi Tây gọi là “vũ khí” vì khi nấu nghe mùi rất dễ sợ.
Biểu dương lực lượng:
Vào ngày biểu diễn hôm hai mươi tám tết, đám chúng tôi bắt xe lửa từ Liège lên Bruxelles. Ngày đông tháng giá nên ai cũng run lập cập. Nhưng chúng tôi run vì thời tiết thì ít mà vì hồi hộp thì nhiều. Cả đám đều rên sao thầy Hưng “sung” quá. Sứ quán Việt Nam tổ chức đón Xuân nên thành phần tham dự cũng khá ngoại giao với đầy đủ các khách mời quốc tế cần thiết. Cô Tôn Nữ Thị Ninh khi đó đang là bà lãnh sự. Cô phải đọc bài phát biểu khai mạc bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh. Khán phòng khá ồn ào vì được dùng làm hội chợ xuân với các gian hàng bán đồ trang trí, các hoạt động từ thiện và cả gần chục quầy ẩm thực đang bốc khói thơm lừng. Sau bài phát biểu của bà lãnh sự, chương trình văn nghệ bắt đầu. Chỉ là “cây nhà lá vườn” nhưng những tiết mục đầu tiên đã diễn ra khá bài bản. Đến phiên nhóm Liège trình diễn, chúng tôi lục tục kéo lên đứng chật sân khấu. Chưa biết hát hò thế nào, nhưng phần “biểu dương lực lượng” đã gây ấn tượng mạnh. Chúng tôi nhận được khá nhiều tiếng vỗ tay và nhiều cặp mắt đang dồn lên háo hức.
Ly rượu mừng:
Tiết mục đầu, vỗ tay! Tiết mục thứ hai, lộp bộp! Tiết mục thứ ba, im lặng đáng sợ! Tiết mục thứ tư, khán giả bỏ đi gần hết để bu đen trước các quầy ẩm thực! Tiết mục thứ năm, dàn đồng ca chảy mồ hôi ròng ròng dù trời đang dưới không độ! Tiết mục thứ sáu, chúng tôi hát hay chúng tôi rên?! Tiết mục thứ bảy, giá cái sân khấu nứt ra để cả bọn chui xuống! Tiết mục thứ tám, thứ chín, thứ mười… Cuối cùng, ác mộng cho khán giả cũng phải ngưng, cả đám gầm mặt lục tục đi như trốn khỏi sân khấu. Vậy mà thật kinh ngạc, có một bà người Bỉ là khán giả trung thành và nhiệt tình đã can đảm ngồi lại cho đến tiết mục chót. Khi chúng tôi hát bài “Ly rượu mừng” và giơ tay ra dấu như đang cụng ly thì ở dưới bà cũng giơ ly champagne của mình ra như tán thành. Sau khi hoàn hồn, chúng tôi chạy lại cảm tạ người khán giả đặc biệt lịch sự. Tôi đã hứa với lòng từ nay về sau, tôi sẽ chịu khó vỗ tay khi đi đám cưới hay đám tiệc, mặc cho xung quanh đang cụng ly hay làu bàu “Hát như tra tấn!”. Tôi đã có một niềm thông cảm sâu xa dành cho các ca sĩ nhà hàng.
Có bà vợ già:
Sau buổi hội chợ Xuân ở Bruxelles, nhóm chúng tôi lại leo xe lửa về Liège. Một anh trong nhóm đã đem theo máy thu âm trong túi áo và bí mật thu lúc hát. Giờ anh mở ra cho chúng tôi nghe lại. Cả đám cười không ra tiếng vì chúng tôi chỉ hát vài bài đầu còn những bài sau thật không khác chi tụng kinh. “Quái” nhất là đoạn “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già, từ lâu mong con…” đã bị cả đám hát thành “Kìa nơi xa xa có bà vợ già” mà không ai ý thức được mình đang hát bậy. Thì ra trong lúc tập, một anh đang “chán cơm thèm phở” đã bày trò hát thành “vợ già” nên chúng tôi hát theo cho vui, nào ngờ lên trình diễn cũng hát bậy luôn. Đêm đó nhiều người ngủ lại trong phòng anh trưởng nhóm để “lai rai” Tất Niên, nửa đêm có người đang nằm chèo queo trong gầm bàn bật dậy hát vống lên “Xuân đã về! Xuân đã về!” rồi lăn quay ra ngủ tiếp. Lại có người ngủ mà hát mớ “Cùng đón chúa xuân, vui khắp đất trời!”. Sáng ra họ kể cho tôi nghe với kết luận: sẽ “cạch” nhạc xuân đến già!
Những cánh chim Liège:
Tối Giao Thừa, tôi làm ít món Việt Nam mời bạn bè quốc tế ăn chung trong bếp rồi xuống lầu tham gia nhảy nhót với nhóm Trung Quốc. Nhờ sinh viên Trung Quốc rất đông nên không khí khá sôi nổi. Tụi Tây cũng nhân cơ hội đó xáp vô nhảy nhót tưng bừng. Sáng mồng một, nhóm đồng ca “Những cánh chim Liège” đi chúc tết vợ chồng thầy Hưng và được cô đãi món cháo lòng (là món rất sang bên châu Âu). Ngày mồng hai, một anh được vợ gởi qua cái bánh chưng hân hoan mời chúng tôi đến chung vui. Thế là xong, thế là hết tết!
Tôi không biết ấn tượng tết năm đó có còn lưu lại chút gì trong lòng những tu nghiệp sinh Việt Nam ở Liège mà tôi may mắn được quen. Riêng tôi, tôi vẫn giữ lời hứa luôn vỗ tay khi nghe hát dù người ca sĩ đó có “tra tấn dã man” đến mức nào. Và trình độ MC của tôi hẳn tăng đáng kể sau cái lần dẫn chương trình ở hội chợ xuân Bruxelles, cái lần tôi cứ nói còn khán giả cứ ăn. Ôi, mùi chả giò đang vàng trong chảo thơm lừng, mùi tết, mùi đồng hương, mùi Việt Nam giữa lòng châu Âu!


 


< previous page  next page >