HÀNH TRÌNH NHỮNG CHIẾC ĐĨA ĂN

Nhiều bạn trẻ Việt khi đi học, đi công tác hay du lịch nước ngoài thường phải lỉnh kỉnh xếp theo trong hành lý mì gói, chà bông, nước mắm và cả… ớt hiểm. Nếu loại trừ lý do tiết kiệm, thì phần lớn vẫn là lời giải thích kiêm lời than: Làm sao nuốt nổi món ăn của “tụi nó”! Thế nhưng, ai cũng biết, ẩm thực là một trong những biểu hiện văn hóa quan trọng nhất nhì của một xứ sở. Khi ta bỏ qua thức ăn của “tụi nó”, vô hình trung ta đã tự làm mất đi cơ hội được biết thêm những bí mật văn hóa khác lạ. Chính vì thế, với bạn bè sắp đi xa, tôi luôn khuyên hãy tận dụng thời cơ, nếm càng nhiều thức ăn của xứ người càng tốt.

""Lai rai cùng thức ăn nhanh
Ở nước ngoài lâu, tôi có thể “cất giấu” nỗi thèm cơm, nhớ bún, hay trạng thái cồn cào vì phở trong một thời gian dài. Nếu đang ở châu Âu, tôi sẽ “enjoy” cật lực các món bình dân nhưng ngon tuyệt như pizza các loại, bánh mì baguette với pa-tê đồng quê, hamburger thịt bò bằm, khoai tây chiên sốt cà chua… Hoặc nếu được mời ăn ở nhà người dân, tôi sẵn sàng “đánh chén” các món khoái khẩu như couscous, bò hầm Provencial, các loại cá đút lò, cá hồi xông khói vùng sông Loire, gà nhồi rau củ…
Bận rộn học và làm việc, tôi ưu tiên fastfood dù vẫn bị khuyến cáo đó là thực phẩm rác. Gọi là “rác” thì nghe tội quá. Nếu chẳng bổ dưỡng gì nhưng làm đầy cái bao tử đang sôi, làm thỏa mãn cái miệng thòm thèm và làm túi tiền ít hao hụt thì fast-food cũng có công chứ. Đấy là chưa kể chúng được làm với khẩu vị vừa miệng số đông. Một khi đã quen, còn thấy rất ngon. Không phải ngày nay cả thế giới đều mê thức ăn nhanh hay sao?
Ở châu Âu, các cửa hàng fast-food có một lợi thế là luôn nằm ở những nơi đắc địa như sân bay, nhà ga, khu trung tâm, khu du lịch… Khi đi chơi mỏi mệt mà muốn nghỉ ngơi đôi chút, tìm chỗ giải quyết “bầu tâm sự” và ăn uống với giá bình dân nhất, các cửa hàng fast-food luôn là lựa chọn hàng đầu. Muốn ăn hamburger và khoai tây chiên thì có Mc Donald, Burger King, Quick. Nhãn hiệu sau cùng này chỉ có ở Pháp. Nếu muốn ăn gà thì nổi tiếng nhất vẫn là hiệu Kentucky. Ngoài những thương hiệu quốc tế đi đâu cũng gặp này, tôi vẫn thích các món bình dân “take away”, “à emporter”, “shop and go”. Những nơi này không có chỗ ngồi, mua thức ăn xong phải đem đi chỗ khác mà ăn. Vì không tốn nhiều tiền thuê mặt bằng, thức ăn vì thế có giá khá “bèo”. Những món ăn nhanh này gồm bánh mì kẹp thịt, hot dog - bánh mì mềm kẹp xúc xích, kebab - bánh mì kẹp thịt cừu nướng của người Ả Rập, fish and chip - cá tẩm bột chiên và khoai tây chiên kiểu Anh, các loại thức ăn của từng địa phương như panini (bánh mì giòn nướng với phô-mai của Ý), bánh gaufle (bánh bột nướng hình hàng rào của Bỉ), bánh crêpe (bánh bột tráng mỏng giống bánh xèo của Pháp)… Thường tôi hay mua một món ăn nhanh cùng với chai nước suối rồi tìm bậc thềm nào lãng mạn ngồi xuống “lai rai”. Ở châu Âu rất thịnh hành loại thức ăn mua rồi đem đi chỗ khác “giải quyết”. Đa phần các khu phố cổ kính đẹp nhất dành cho người đi bộ nên không bị khói bụi hay tiếng ồn làm phiền, nhiều chỗ ngồi dành cho dân chúng như các băng ghế đặt dọc quảng trường, các bậc thềm rộng rãi quanh nhà thờ, viện bảo tàng, các tượng đài. Ngoài ra công viên nằm rải rác khắp nơi cũng là chỗ lý tưởng để đem thức ăn đến, vừa nhấm nháp, vừa ngắm khung cảnh tuyệt đẹp, vừa hít thở bầu không khít trong lành.

""Ấm áp “home made”
Mỗi khi được mời ăn ở nhà người bản xứ, tôi luôn xúc động. Người nước ngoài tính khá dè dặt, không hay mời bạn về nhà dùng cơm trừ trường hợp họ thật sự rất yêu quí bạn. Vì thế, một khi được mời, tôi cảm thấy rất vinh hạnh và may mắn. Người chủ phải sắp xếp thời gian, phải tự tay đi chợ, tự tay nấu nướng. Buổi tối sẽ diễn ra trong không khí rất ấm cúng thân thiện.
Lần ấy, tôi được một người bạn Bồ Đào Nha mời đến ăn ở nhà. Các món ăn của Bồ Đào Nha cầu kỳ và nhiều gia vị do bà chủ nhà Marie nấu khiến tôi sau cơn choáng đã lao vào ăn tận tình. Dù không ăn hết phần thức ăn quá nhiều, tôi vẫn được gia đình bạn ghi nhận là “can đảm nếm món lạ”. Giống như các bà mẹ Việt sau lúc mệt phờ nấu nướng, bà Marie không nhìn số thức ăn tôi ăn vào mà nhìn vẻ mặt và cách tôi thưởng thức món ăn xem có hứng thú không. Khi tôi hào hứng thử tất cả và còn xin thêm, bà Marie mừng vô cùng.
Dù được mời về nhà thưởng thức đồ ăn “home made”, tôi vẫn phải thú nhận rằng không phải món nào được làm tại nhà cũng ngon, nhiều khi còn dở tệ vì tay nghề chủ nhà hạn chế quá. Một cậu bạn ở Montelimar (Pháp) đãi tôi món couscous - món ăn của người Ma-rốc, Bắc Phi, nhưng đã được dân Pháp xem như món của họ. Couscous được nấu với thịt cừu. Có lẽ do “tài” xử lý non nớt của cậu bạn Pháp, mùi hôi đặc trưng của loại thịt này làm tôi khổ sở đánh vật với đĩa thức ăn. Thế nhưng trong một dịp khác, bà chủ nhà ở Saint-Etienne tình cờ cũng đãi tôi món couscous. Và tôi bất ngờ nhận ra hương vị rất tuyệt vời. Tôi vừa ăn couscous vừa bật cười một mình, tự hứa không bao giờ vội chê một món ăn chỉ vì người cho mình nếm đầu tiên không phải là đầu bếp giỏi.
""Một trải nghiệm khác cho tôi thấy nhiều khi món ăn không có gì đặc sắc, nhưng nếu người chủ nấu nướng với lòng tự hào dân tộc và nêm nếm với nhiều gia vị của lòng mến khách, món ăn sẽ ngon lên rất nhiều. Đó là trường hợp khi tôi được mời ăn ở Ba Lan. Ông chủ nhà mặc tạp dề chỉnh tề, vừa nấu vừa giảng giải cho tôi với đôi mắt rực sáng kiêu hãnh và hạnh phúc. Ông luộc các loại rau củ rồi chiên qua với bơ thực vật cho cháy vàng thơm tho. Sau đó ông hào hứng quay thịt gà trong lò, chăm chút làm nước sốt nấm. Món ăn chế biến và bày biện đơn giản thôi, nhưng lúc dọn ra ông cứ luôn miệng quảng cáo trước: “Rất ngon, rất thơm. Rồi cô em sẽ thấy!”. Quả là hôm đó tôi ăn thật nhiều, ngon miệng như một đứa trẻ đói ngấu. Sự nhiệt tình, những ký ức gia đình liên quan đến món ăn mà ông chủ chia sẻ làm tôi nhớ hoài những khoảnh khắc ngồi bên cái bàn trải khăn trắng ấy.

""Lạnh lùng restaurant
Ở Việt Nam mình thường phân biệt “quán ăn” và “nhà hàng”. Quán ăn chỉ gồm các món bình dân, khung cảnh cũng không được quan tâm và giá tiền thì vừa phải. Còn nhà hàng thì bắt buộc phải sang trọng, món ăn cầu kỳ và dĩ nhiên giá tiền rất cao. Thế nhưng bên châu Âu người ra không phân biệt sang hèn, mọi loại hình nhà hàng đều gọi “restaurant” hết. Có những nhà hàng chỉ vỏn vẹn vài cái bàn. Ông chủ vừa nấu bếp, vừa phục vụ, vừa tính tiền, và tiễn khách bằng cái bắt tay thân thiện. Có những nhà hàng thuộc loại sang, khi bước chân vào luôn làm người ta cảm thấy “khớp”. Và không phải người châu Âu nào cũng thấy thoải mái khi vào nơi này. Đa phần dân Tây có thói quen tính kỹ trong chi tiêu. Ít khi nào họ chi tiền bất hợp lý ở những nhà hàng sang trọng. Hiếm hoi nhân một sự kiện đặc biệt nào đó họ mới đắn đo bước chân vào nhà hàng. Một khi đã bước vào, tuyệt đối bạn không được chắt lưỡi khi đọc thấy giá tiền trong menu. Nếu muốn hà tiện không gọi món khai vị mà đi thẳng đến món ăn chính, bạn phải giả vờ thốt lên “Tôi không đói lắm” hay “Tôi đang ăn kiêng”. Sau đó khi được phục vụ đề nghị ăn tráng miệng và uống cà phê, bạn phải rên lên “Ồ không! Tôi no căng rồi!”. Tôi được ăn nhà hàng sang trọng khá nhiều lần, lần nào cũng do bạn bè nước ngoài mời hoặc ăn chung với công ty trong các chuyến công du. Mọi người xung quanh đều ăn từ tốn lịch sự. Thật lòng tôi không thấy ngon và chẳng thấy để lại chút dư vị gì. Dù món ăn chế biến cầu kỳ, trang trí đẹp mắt và được đặt những cái tên hoa mỹ, qua sáng hôm sau, tôi hầu như đã quên sạch những gì mình thưởng thức tối hôm trước.
Có cơ hội nếm nhiều món ăn ở nhiều miền đất, tôi hiểu, chính lòng nhiệt tình hiếu khách và không khí ấm cúng thân tình làm nên sự ngon miệng. Và trên hết, hương vị của sự háo hức lần đầu nếm món lạ cũng là một “chất kích thích” khiến cuộc hành trình giữa những đĩa ăn thêm phần quyến rũ.
Dương Thụy


  next page >