Chọc giận người Hàn Quốc
Nóng trong người?
Ai từng xem phim Hàn Quốc đều có nhận xét: người Hàn Quốc bạo lực quá. Nào là cha đánh con, người yêu bợp tai nhau, sếp đá nhân viên, đồng nghiệp “đục” nhau chí mạng. Còn ai từng đến Hàn Quốc công tác dài ngày đều cho rằng người Hàn Quốc rất nóng tánh. “Chắc tại ăn kim chi nhiều quá, nóng trong người!”, mọi người kết luận. Vì thế, khi tôi sang Hàn Quốc một tuần, tôi chuẩn bị tâm lý trước hòng đối phó với nạn bạo lực xứ này. Tánh tôi hòa hoãn, lại chỉ có đai xanh Aikido lận lưng (đã bỏ tập từ… 10 năm nay). So với dân Hàn đa phần đều đai đen Taekwondo, cái lý lịch võ thuật của tôi xem ra thất thế quá. Vì thế, tôi “cụ bị” hai đôi giày thể thao rất tốt. Trong mọi trường hợp, chạy là thượng sách.

Sao chưa thấy nổi giận?
Nổi lo bị bạo hành của tôi tiếp tục tăng lên khi vừa đặt chân xuống sân bay, các anh trong ban tổ chức đón tiếp vô tình thông tin người Hàn rất nóng tánh. Thấy mặt tôi xanh lè, một anh đồng nghiệp cười hặc hặc trấn án “Chắc không đến mức “đục” khách nước ngoài đâu!”. Những ngày đầu trôi qua êm đềm, tôi vẫn không thấy người Hàn nào nổi nóng. Họ lễ phép cúi chào, mỉm cười ý nhị trên môi, tận tình hướng dẫn mọi thắc mắc. Tôi tự nhủ, chắc mình đi trong đoàn được đón tiếp nên không thấy được bộ mặt thật của người Hàn. Thế là tranh thủ chỉ còn hai ngày cuối, tôi trốn đoàn xé lẻ đi rong. Mục đích của tôi là phải chứng kiến người Hàn nổi giận với mình. Tôi không dại dột đặt mục tiêu bị họ “đục”, chỉ giới hạn ở mức dọa “đục” mà thôi.

Xuống lòng đất
Tôi tìm cách đi xe điện ngầm. Kinh nghiệm cho thấy cuộc sống dưới xe điện ngầm tiết lộ rất nhiều bộ mặt thật của xã hội trên mặt đất. Xe điện ngầm của Seoul không thật mới keng như bên Singapore nhưng tươm tất và sạch sẽ hơn cả ở Paris. Không biết tùy trạm hay sao mà tôi không gặp được người bán vé, cứ phải loay hoay mua vé tự động bằng máy. Lọng cọng đọc hướng dẫn (có bằng tiếng Anh) và đút tiền vào máy, tôi bị mất vài đồng. Máy không nhả vé ra. Thôi đành, cũng may vé xe điện ngầm ở Seoul quá rẻ. Giờ tôi không nhớ rõ là bao nhiêu nhưng lúc đó tôi chỉ chặc lưỡi một cái. Tánh tôi vốn “trùm sò”, nếu vé mắc như bên Paris tôi hẳn chắc lưỡi rất nhiều đến mức thằn lằn phải bò ra. Trên xe mọi người khá giữ kẽ. Họ không lịch sự đứng dậy nhường ghế mời phụ nữ ngồi. Nhưng thôi, tôi cũng không phải hàng mỹ nhân khiến họ phải làm thế. Tuy nhiên mục đích của tôi là phải chứng kiến người Hàn nổi giận. Thế là tôi gây sự trước. Tôi hỏi một ông nhìn cũng hiền (vì tôi thử nghiệm nhẹ thôi) bằng tiếng Anh rằng tôi có thể ngồi ghế ông không, tôi mệt quá. Ông lắc đầu không hiểu tôi nói gì hoặc giả bộ không hiểu tôi nói gì. Kết quả là ông không nhường ghế. Nhưng ông cũng không nổi giận mà nhìn tôi cười cười. Đi mất mấy vòng xe điện ngầm, chọc giận mấy ông già, chưa thấy ai nổi giận. Tôi đành chui lên.
Đi chợ bình dân
Tôi tiếp tục hành trình tìm sự nổi giận nơi người Hàn nên chọn các chợ bình dân Namdaemun, Dongdaemun và Myongdong. Chợ nhìn bèo vì toàn bán hàng sĩ hoặc hàng không có thương hiệu, giống chợ An Đông, Tân Định hay Bà Chiểu của Sài Gòn mình. Tuy là chợ bình dân nhưng giá cả đều niêm yết rõ ràng. Người bán có phần thật thà vì giá niêm yết là năm ngàn, mười ngàn, mười lăm ngàn, hai chục ngàn… Tôi chưa từng thấy ở đâu giá bán lại tròn trịa như thế. Bên châu Âu hay đánh vào tâm lý ham rẽ của người mua bằng cách niêm yết giá theo kiểu bốn ngàn chín trăm chín mươi chín xu. Tôi thử trả giá cho hai cái áo mười ngàn. Cô bán hàng tuy không hiểu tiếng Anh nhưng lấy máy tính ra vui vẻ bớt cho tôi mười phần trăm.

Tôi đến gian hàng khác, chọc giận bà bán bằng cách trả giá phân nửa. Bà lắc đầu cười. Tôi tiếp tục sang gian hàng khác, chọn đồ, thử đồ, trả giá thật thấp rồi bỏ đi. Chẳng thấy ai nổi giận. Họ chỉ lắc đầu, đôi khi họ cười buồn, đôi khi họ thở dài, đôi khi họ cúi đầu nhìn lảng sang hướng khác. Họ làm tôi áy náy quá. Sao tôi cứ cố đi tìm thói xấu của người Hàn mà không chịu mở lòng tìm đến với cái hay của họ. Thế là tôi đến gian hàng bán đồ trẻ con, chọn mua đồ của một ông chừng sáu mươi tuổi. Ông nói được bập bẹ tiếng Anh, hỏi tôi từ đâu đến rồi khen tôi xinh đẹp. Thật tình lâu rồi không nghe ai đả động đến nhan sắc mình, giờ dù nhận lời khen từ một ông sồn sồn, tôi thấy rất xúc động. Thế là tôi cũng “tán tỉnh” lại và hào phóng nói ông giống tài tử điển trai Jangdonkun. Chúng tôi vui vẻ cười đùa thân thiện, hỏi han nhau và chụp hình kỷ niệm chí chóe. Thấy không khí náo nhiệt, các bà bán hàng gần đó cũng nhập vào, cùng chụp hình chung. Họ cho tôi phỏng vấn nhanh, vui vẻ trả lời về tuổi tác, gia đình, buôn bán… Tôi hỏi lúc nào họ cũng vui vẻ thế này sao. Họ lắc đầu than: khủng hoảng kinh tế thế giới tác động rất nặng ở Hàn Quốc, họ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi lại hỏi vậy họ có nổi giận và đánh nhau không. Họ bật cười “Không đến mức đó!”

Chia tay những người bán hàng thân thiện ở các chợ bình dân, tôi dẹp bỏ ý định tìm kiếm cơ hội… bị “đục” trên xứ Hàn. Có thể họ rất nóng trong người vì ăn kim chi nhiều, có thể họ hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay, cũng có thể phim ảnh chỉ làm quá lên những gì có thật trên đời. Tôi không thắc mắc nữa. Tôi đã có một tuần ở Hàn Quốc với ấn tượng tốt đẹp về người Hàn. Và tôi kết lại: bất luận ở đâu, nếu mình trao đi một nụ cười, mình sẽ nhận lại một nụ cười!
Dương Thụy (Sept 09)