Một tác phẩm đẹp của tuổi mới lớn
“Hè của cô bé mất gốc”, NXB Kim Đồng vừa ấn hành, là tập truyện ngắn dành cho tuổi mới lớn của cây bút nữ Dương Thụy - tác giả của nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút du ký được giới trẻ yêu thích. Giọng văn rất Nam bộ của Dương Thụy vẫn cuốn hút…
“Hè của cô bé mất gốc” là truyện ngắn được dùng làm tựa chung cho cả tập truyện. Nhân vật chính là Hà, một cô bé gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Pháp. Trong khi cả gia đình Hà không hòa nhập được với xã hội Pháp, thì Hà lớn lên trong môi trường giáo dục và xã hội xứ người, nên không rành tiếng Việt, sống xa lạ với gia đình, thân thiết với người bản xứ. Đến khi Hải - một du học sinh vừa từ Việt Nam sang - nhận dạy kèm tiếng Việt cho cô. Những tình huống hài hước, dễ thương xảy đến, chủ yếu từ những câu tiếng Việt trọ trẹ của Hà, thường làm “thầy giáo Hải” xấu hổ đỏ mặt trước mọi người. Thí dụ như: “Cái chén té từ trên bàn xuống”, “Toi (anh) mà nói lại với ba con, con sẽ đè toi xuống đáy hồ đến lúc có những hột nước đi lên cho toi chết luôn”. Dần dần, Hà cảm mến thầy giáo trẻ, cũng thêm yêu tiếng Việt và hiểu thêm về văn hóa Việt.
Hầu hết nhân vật chính trong tập truyện là những cô bé dễ thương, nghịch ngợm, thông minh. Dường như Dương Thụy đang vẽ lại tuổi mới lớn bằng tất cả những hồi ức đẹp đẽ của chính tác giả. Những câu chuyện trong sách toát lên sự ý nhị và thông minh, bật lên những tình huống và tính cách điển hình của tuổi mới lớn.
Chẳng hạn cô bé Hạnh trong “Ông anh Việt kiều” thấy một vài Việt kiều về nước sống “chảnh chọe” nên cô bé kỳ thị tất cả Việt kiều. Khi Hồ - một sinh viên gốc Việt mới tốt nghiệp đại học từ Mỹ đến nhà Hạnh chơi, cô bé tìm mọi cách gây sự với anh. Sau nhiều trò nghịch ngợm, nghe Hồ tâm sự về cuộc sống đầy áp lực ở xứ người, Hạnh thấy mình thật vô lý và làm lành. Hay cô bé Phương lớp trưởng trong truyện “Ông nhỏ” có tình cảm với chàng bí thư chi đoàn lớp tên Hoài, bởi Hoài hay giúp đỡ cô và không lảng tránh khi bị bạn ghép đôi. Ai ngờ, Hoài chỉ xem Phương là bạn, còn người cậu bé thầm để ý từ lâu là một người khác. Phương đành học cách dẹp bỏ những rung động đầu đời, để có một tình bạn đẹp. Còn trong truyện “Hai người đến từ phương xa”, cô bé Tố Nga ỷ mình học giỏi nên kiêu kỳ bị bạn bè xa lánh. Cuối cùng, cô bé cũng hiểu rằng chỉ học không thôi chưa đủ để trở thành một học sinh toàn diện, tuổi của cô cần có bạn bè và những hoạt động ngoại khóa làm giàu tâm hồn.
Thấp thoáng trong tất cả các truyện ngắn là những người mẹ, người chị, người cha, người anh luôn ở bên cạnh và chia sẻ những vấn đề của những nhân vật “không còn nhỏ nhưng cũng chưa đủ trưởng thành”. Thí dụ như trong “Hai người đến từ phương xa”, khi Tố Nga đòi nghỉ học vì bị bạn bè xa lánh, ba cô bé nghiêm khắc: “Nếu con không tìm cách để bạn bè trong lớp chấp nhận mà cứ đòi nghỉ học thì đó là thái độ bỏ trốn hèn nhát” (trang 46). Cả nhà còn giúp Tố Nga hòa đồng với bạn, như mời bạn đến nhà chơi, mẹ thì nấu ăn, chị thì đàn tranh phục vụ văn nghệ. Những nhân vật trong sách còn sống trong sự ủng hộ lớn lao của thầy cô, để những khát vọng và hy vọng của tuổi học trò được thực hiện.
“Hè của cô bé mất gốc” muốn nói rằng tuổi học trò là một món quà vô giá, cần giữ gìn sự hồn nhiên, tươi sáng đó.
Xuân Viên