Phỏng vấn Dương Thụy trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật (Tp.HCM), ngày 25/5/08, mục “Trò chuyện cuối tuần”:
 
        CÂY BÚT TRẺ DƯƠNG THỤY:
              “TÔI NGƯỠNG MỘ NGƯỜI PHỤ NỮ HIỆN ĐẠI”
 
           Sử dụng công cụ tìm kiếm Google, gõ lên mấy chữ “cây bút trẻ Dương Thụy” thì chỉ trong 0,40 giây xuất hiện ngay 10 trang đầu tiên với 716.000 thông tin có liên quan. Trong đó, nhiều thông tin trùng lập, nhưng điều đáng nói là có hầu hết những sáng tác của Thụy, có cả bài viết chuyên luận của chính tác giả về hạnh phúc, về phụ nữ; có một số bài phỏng vấn cô từ các báo post lên. Lẫn trong những thông tin ấy, là các con số tái bản của “Oxford thương yêu” (tổng cộng đã in 20.000 quyển sau gần một năm) và ngay cả tập truyện mới nhất “Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình” đã được in thêm 3000 quyển (tổng cộng 5.000 quyển sau một tháng) ! Dương Thụy sinh năm 1975 tại TP.HCM (cựu học sinh trường PTTH Lê Quí Đôn, cựu sinh viên trường ĐH KHXHNV, cựu sinh viên trường ĐH Liège, Vương quốc Bỉ) hiện giữ vị trí Giám đốc Truyền thông-Đối ngoại của tập đoàn dược phẩm Sanofi-Aventis tại Việt Nam, viết văn chỉ là việc làm thêm. Tuy nhiên, tài sản văn chương của Dương Thụy cũng đáng kể : Dấu lặng trong điệp khúc (1997), Người thổi kèn (1999), Hai người đến từ phương xa (2002), Con gái Sài Gòn (2003), Cắt đuôi (2004), Bồ câu chung mái vòm (2004), Hành trình của những người trẻ (2005), Oxford thương yêu (2007), Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình (2008). 
 
  • Có thể nói Dương Thụy là một trong nhiều hình ảnh khá thuyết phục về sự thành công của thế hệ trẻ sinh năm 1975. Bạn thử “khái quát” thời kỳ học hành và vươn lên của mình
-             Trong suốt quảng “đời đi học” , giống như bao bạn bè cùng lứa, tôi phải lao vào học như điên, học vì thành tích, học vì phải học. Tôi chỉ giỏi hai môn : Văn và Ngoại ngữ. Những năm cuối cấp, học rất căng thẳng, ít có niềm vui trong học tập. Xen giữa thời gian “chạy sô” học thêm là phút giây thư giãn bằng cách say sưa sáng tác truyện. Tôi có truyện ngắn đầu tay in trên báo Hoa Học Trò Xuân Quý Dậu, với nhuận bút 100.000 đồng. Sau này, là sinh viên tôi cũng thường viết, dù bận rộn đến mấy. Tôi mê viết như con nít nghiện chơi game. Nhưng, làm gì thì làm, vẫn phải chú tâm học. Tôi đã lấy bằng Cử nhân Văn chương Pháp (ĐH KH-XH-NV) và bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (ĐH Liège, Bỉ). 
  • Có căn bản học hành, khi bước chân vào đời hẳn là có phần thuận lợi hơn. Tôi muốn biết thêm về chuyện du học của Thụy, và nghe nói bạn thuộc dạng “ ăn sáng Sài Gòn, ăn chiều Thượng Hải “ ?
-             Năm 1998 tôi thi “Concours IDECAF” và thành công (sau rất nhiều nỗ lực), đoạt suất đi tham quan nước Pháp trong vòng một tháng. Dư âm đẹp của chuyến đi luôn thôi thúc tôi tìm cơ hội tiếp theo. Năm 2000, tôi được sang Pháp tu nghiệp 3 tháng trong tòa soạn báo Ouest France (Pháp), tại đây tôi gặp rất nhiều du học sinh Việt Nam, được học bổng nhờ mối quan hệ của bố mẹ, dù học lực kém. Về nước, tôi quyết tâm xin học bổng du học hệ Cao học bằng thực lực của mình. Tôi viết nguyện vọng thư bằng tiếng Pháp gửi đến văn phòng các Tổng lãnh sự của các nước nói tiếng Pháp, kèm theo bảng điểm và văn bằng tốt nghiệp loại khá để chứng minh học lực. Có 3 nơi đồng ý cấp học bổng cho tôi, nhưng tôi chọn Bỉ để học Cao học Quản trị kinh doanh, với học bổng toàn phần. Cho đến thời điểm này, tôi đã đi qua 20 quốc gia Á-Âu, thông qua các suất du học ngắn hạn, dài hạn, tu nghiệp, công tác, tham dự hội nghị chuyên ngành và du lịch.
  • Với điều kiện học tập và làm việc như vậy, nên không gian và nhân vật trong các sáng tác của Thụy cũng khá… Tây. Những truyện ngắn tròn tròn, xinh xinh, vui vui ấy đều có “yếu tố nước ngoài” – một đặc điểm thu hút người đọc. Nhưng một lúc nào đó nó sẽ nhàm và cạn kiệt, thì sao ?
-             Thực ra, vốn liếng của tôi không chỉ là “yếu tố nước ngoài” mà vì tôi thích viết dựa trên vốn liếng có thêm ấy nhằm tạo một loại sản phẩm khác (so với những đề tài đã xuất hiện trên thị trường văn chương) để gửi đến bạn đọc.
  • Nhân vật nữ của Thụy thường là những nhân viên chuyên nghiệp trong bộ váy văn phòng lịch lãm, lương vài ba ngàn đô Mỹ một tháng, đi công tác nước ngoài như đi chợ, làm việc với chủ trương “ work smater, not harder”. Dương Thụy muốn nói gì thông qua những bạn trẻ năng động ấy ? Họ là hình ảnh “công dân toàn cầu” chăng ?
-             Đó là mẫu người tôi hâm mộ và những người như thế đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường lao động quốc tế. Trong số đó có người Việt Nam, kể cả phụ nữ. Tôi tự hào về điều này. Họ học tập miệt mài, làm việc cật lực và thành đạt. Những kết quả đó cho họ “tấm hộ chiếu toàn cầu”, họ không chỉ thành công khi làm việc tại đất nước mình mà còn làm việc được ở nhiều nơi trên thế giới. Họ xứng đáng được hưởng những ưu đãi tốt nhất từ lợi ích mà họ đã mang lại. 
  • Vậy mà cũng có người như Thư (trong Những giấc mơ của người đeo nhẫn), dù trong công ty luôn được đánh giá là có cơ hội thăng tiến nhưng khi về nhà vẫn phải tranh luận vất vả với chồng về con đường sự nghiệp của phụ nữ. Có bao nhiêu phần trăm hình ảnh của Dương Thụy trong Thư ?
-             Tôi không được “cao cấp” như Thư nên mới cho nhân vật của mình thăng tiến như thế. Tuy nhiên, Thư là người phụ nữ hiện đại mà tôi ngưỡng mộ : làm việc giỏi và có cuộc sống gia đình tươm tất . Dù hay phải bực mình tranh luận với chồng, nhưng không phải vì vậy mà người phụ nữ để cho công việc lôi thôi, gia đình luộm thuộm.
  • Trong cuộc sống, có người phụ nữ hiện đại bằng xương bằng thịt nào mà Thụy thực lòng ngưỡng mộ ?
-             Đó là một chị đồng nghiệp, bác sĩ Trưởng phòng Đăng ký sản phẩm, làm việc với một dàn bác sĩ nam dày dạn kinh nghiệm. Chị có hai đứa con. Dưới tài “thao lược” của chị, công việc và gia đình cùng song hành một cách đẹp đẽ. Hiện chị đang dự Hội nghị “Những người phụ nữ châu Á thành đạt”. 
  • Giọng văn của Thụy hiền, nhưng đôi lúc cũng gây sốc. Thí dụ, một cô gái bị cảm lạnh nhờ ông bạn Tây cạo gió giùm cho mau hết bịnh, thì bị ông Tây nghi mắc bệnh… bạo dâm ! Một ông Tây khác tặng cô bạn người Việt “bộ sưu tập” quà đặc biệt “bằng cao su mềm, hình dáng đủ loại, có gai, có mùi hương, ấm nóng như thật” thì cô ta chảnh lên : “tưởng gì ghê gớm, ba cái đồ này tôi đã tự trang bị”… Trời, con gái Việt Nam đi ra nước ngoài “dữ dằn” vậy sao ?
-             Nếu đi du học lúc còn quá trẻ, người ta rất dễ bị “Âu hóa”, nhân vật của tôi tuy có “Âu hóa” nhưng không “tha hóa”. Tố Uyên chỉ giả bộ chảnh vậy thôi chứ “còn nguyên xi” dù đã “quá thì”. Ngày nay, ở Việt Nam, một số phụ nữ không nhất thiết phải ra nước ngoài sống cũng có tư tưởng phóng khoáng : hạnh phúc với việc sinh con mà không cần có chồng. Suy cho cùng, mưu cầu hạnh phúc là một cái quyền thiêng liêng, dù cho điều đó đôi khi đi ngược lại một số giá trị đạo đức của một xã hội nào đó. Còn chuyện hiểu lầm do khác biệt văn hóa vẫn xảy ra thường xuyên giữ người nước này và người nước khác.
  • Ông xã Thụy có “chịu đựng” nổi vợ mình không – thường đi công tác nước ngoài, “bỏ” chồng ở nhà với con, lại còn… viết văn, viết sách ? Thời gian nào dành cho “họ” đây ?
-             Chồng tôi cũng là dân đi làm trong công ty nước ngoài, nên anh rất hiểu công việc của vợ. Anh không có gì phàn nàn về vợ, hơn nữa, anh cũng cho rằng chuyện đi công tác nước ngoài là cơ hội tích lũy kinh nghiệm. Còn chuyện viết lách , anh vẫn đánh giá cao khả năng đó của tôi, dù anh không đọc những gì tôi viết ! Con gái của chúng tôi mới mười một tháng, rất hiếu động và dễ thương. Ngoài giờ làm việc, tôi dành hết thời gian còn lại cho “họ”. Tôi chỉ “ăn gian” một chút thôi để viết, khi có thể.
  • Có khi nào, vì quá mệt với chuyện công tác, chuyện nhà, mà nhìn vào “người phụ nữ hiện đại” Dương Thụy, người ta ngán ra mặt (như Hải ngán Hân trong Danuble một dòng còn quyến luyến) : “Một thời oanh liệt nay còn đâu ? Sao già khụ đến nông nỗi này ?”…
-             Thực sự tôi cũng có nhiều lúc đầu bù tóc rối, ăn mặc luộm thuộm nhìn “mất hứng” , nhưng chắc không ai nở “ngán” tôi vì biết tôi sống rất hết mình. Tôi cố hạn chế những lúc “kinh khủng” để mình không bị… già sớm ! 
 
                                                             BẠCH MAI thực hiện     

< previous page