Nghịch hiền
Tôi là một bác sĩ có thói quen đọc rất nhiều sách, chuyên môn và không chuyên môn, đông tây kim cổ đủ cả. Có một đồng nghiệp giới thiệu với tôi cuốn “Oxford thương yêu” của Dương Thụy, nhưng tôi từ chối vì cho rằng tác giả trẻ quá, không hợp với lớp người không còn trẻ của chúng tôi. Thế nhưng trong một lần trực đêm ở bệnh viện, thiếu sách để giết thời gian, tôi đành lôi cuốn sách anh bạn đồng nghiệp để trên kệ để đọc thử. Và rồi tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, “Oxford thân yêu” hay quá, lạ cả cốt truyện lẫn văn phong. Tôi đã đọc cuốn sách một mạch đến sáng, ca trực trôi qua thật nhẹ nhàng.
Thế là từ đó, tôi để ý tìm đọc những gì tác giả đã viết, những truyện ngắn, những tạp bút, những tản văn về những vùng đất Dương Thụy đã đi qua. Như những câu chuyện trong tuyển tập truyện ngắn này, dù bối cảnh xảy ra tận trời Âu, nhưng nhân vật chính đa phần là người Việt. Những người Việt trẻ tuổi, thành đạt. Họ sống trong “thế giới phẳng” này nhưng vẫn đậm chất hiền hòa, dễ mến như chính giọng văn đặc chất Nam Bộ và Sài Gòn của tác giả.
Đất nước vào thời hội nhập, lại được “thiên thời” là thế giới ngày một “phẳng” ra, giới trẻ được đi nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn. Họ giúp “lớp người trước” như tôi hiểu được nhiều hơn về đất nước, con người, văn hóa của cả thế giới. Về mặt này, quả là không quá khi nói rằng, vốn hiểu biết về phương Tây của tôi tăng lên đáng kể qua từng câu chuyện của Dương Thụy.
Trước giờ tôi vẫn nghĩ rằng, “người da trắng” thì rất giỏi trong công việc nhưng sống không tình cảm và rất dễ dàng trong “mọi chuyện”. Qua truyện Dương Thụy, Tây hay Ta thì cũng đều có tình cảm, có quan niệm về “mọi chuyện” không khác nhau mấy. Tôi mới ngộ ra rằng ở đâu cũng có tình yêu lãng mạn và tình người chân thành.
Nhưng Dương Thụy ơi, tưởng rằng sau khi đã đọc “Bồ câu chung mái vòm” hay “Oxford thân yêu”, tôi đã hiểu được “cốt cách văn phong” của bạn là hiền hòa và đôn hậu. Sự thật, tôi đã “ngộ nhận”, những truyện ngắn trong tập sách này không thật “hiền” nữa. Quả có truyện “dễ thương” như Những Đứa Con Của Dòng Mekong, nhưng rồi tôi cũng thú vị nhận ra sự “éo le” vì hiểu nhầm văn hóa Đông Tây trong Cạo Gió Mùa Xuân. Rồi thì “lắt léo” với việc sốt làm giàu của lớp trẻ trong Chim Trời Day Dứt và sau đó cũng “bất cần đời” như Mùa Đông Kiêu Hãnh Những Giấc Mơ Của Người Đeo Nhẫn. Tôi rất thích Cáo Già, Gái Già và Tiểu thuyết Diễm Tình, nhân vật “Cáo Già” thật “quái” nhưng “Gái Già” còn “ghê gớm” hơn. Truyện dẫn dắt người đọc vào một cao trào khá “nóng” với nào “gái vũ trường”, “tình dục học” và “những dụng cụ cao su mềm có gai”. Thế nhưng, kết cuộc lại quá “diễm tình”, thật bất ngờ. Tác giả “nghịch ngợm” mà vẫn “hồn hậu”, một cách “nghịch hiền” của người miền Nam. Với những chi tiết thú vị như thế, tôi đọc cả tập truyện của cùng một tác giả vẫn không thấy nhàm chán. Đúng là kẻ “ngoại đạo văn chương” như tôi không thể một sớm một chiều mà tường tận được.
Bác Sĩ Nguyễn Hoàng Quân

  next page >