Còn nhớ đó là ngày tôi ôm quyển “Oxford thương yêu” từ tiệm sách về, mải miết đọc suốt bốn giờ liền. Đó cũng là tác phẩm đầu tiên của Dương Thụy mà tôi đọc. Vốn dĩ cái tên Dương Thụy không mấy quen thuộc với tôi, thế nhưng khi lướt ngang qua gian sách của Nhà xuất bản Trẻ, giữa trăm ngàn cuốn được giới thiệu như best-seller thì ba chữ “Oxford thương yêu” lại đập ngay vào mắt tôi, đầy cuốn hút. Một cách hiếu kỳ, tôi với tay lấy cuốn sách, lật ra sau bìa, mắt dõi theo những đoạn trích: “… Em nghĩ tôi là ai? – Fernando đanh giọng – Tại sao mỗi sáng tôi phải đến đây tập thể dục với em? Tại sao cuối tuần tôi phải đi siêu thị với em? Tại sao tôi phải mất thời giờ và công sức để quan tâm đến cái sự học của em? Tại sao tôi muốn em làm việc có phương pháp? Tại sao tôi muốn em có sức khỏe tốt? Tại sao? Tại sao?...”
“Rốt cuộc là tại sao nhỉ?” – tôi rất muốn biết!
Tôi ấn tượng bởi cách viết của chị, lối hành văn không sướt mướt như tiểu thuyết diễm tình nhưng vẫn gợi lên cảm giác lãng mạn. Câu văn dí dỏm, gần gũi nhưng đầy sức lôi cuốn. Nó khiến người ta vừa đọc vừa không khỏi bật cười trước những tình tiết hóm hỉnh trong truyện. Cảm giác được sống theo từng trang sách thật tuyệt vời! Tôi đã tận hưởng một cách đầy đủ.
“Oxford thương yêu” là câu chuyện viết về Kim, một cô gái Việt Nam xin được học bổng Du học Cao học trong một năm ở Oxford . Vì nhập học trễ nên có thể cô phải kéo dài thời gian học thành 2 năm. Tại một nơi có mức sống đắt đỏ bậc nhất thế giới như thế, thì việc này nằm ngoài khả năng của cô. Điều này sẽ khả quan hơn nếu cô đến từ một nước Châu Á nào đó có nền giáo dục phát triển hơn chứ không phải là Việt Nam. Đúng lúc cô đang phải đối chọi với sự mệt mỏi và cô đơn thì Fernando xuất hiện như một “quới nhân” phù trợ, anh ấy là trợ lý của giáo sư Baddley. Giáo sư là một người thầy dễ mến dù không có khả năng tự đi trên đôi chân của mình, tuy nhiên thầy đã khuyến khích và giúp đỡ không ít sinh viên, trong đó có cả Kim và Fernando. Những tuần đầu tiên, Fernando rèn giũa Kim rất nghiêm khắc. Anh chàng bắt cô phải dậy sớm tập thể dục, ăn uống đủ chất, làm việc có thời gian biểu hợp lý. Cô nàng ban đầu khá bướng bỉnh nên những cuộc tranh cãi giữa hai người là không thể tránh khỏi, và chúng luôn kết thúc bằng những giọt nước mắt ấm ức hay những cái giận hờn của Kim. Nhưng đâu nào ngờ, đã có một tình yêu dần đàn được nhen nhóm trong họ, mối tình Oxford cứ thế nảy nở, nhẹ nhàng nên thơ nhưng không kém phần mãnh liệt.
Đọc truyện, tôi cứ đinh ninh Kim là một hình ảnh phản chiếu của Dương Thụy trong - cuộc - sống - thực, là mối tình được viết nên bằng những trải nghiệm của tác giả. Một chuyện tình vượt biên giới, vùng thoát khỏi những định kiến và những lối mòn tư duy của thế hệ trước. Người đọc trận trọng cuộc tình ấy vì nó đáng yêu, nó chân thật. Hơn hết, nó giúp những người trẻ như tôi tin vào sự tồn tại của cái gọi là sức mạnh tình yêu. Một Fernando lạnh lùng và nghiêm khắc lại đem lòng yêu một Thiên Kim tiểu thư lá ngọc cành vàng từng đòi giết anh, từng ghét anh đến mức mà “nhìn nét chữ của Fernando thấy ứa gan”. Tôi tự hỏi liệu có hay không một Fernando như thế trong khi Kim chỉ là nhân vật hư cấu? Hay để đến cuối cùng chúng ta cũng đánh chặc lưỡi bảo rằng: “Đời nào phải như tiểu thuyết!”.
“Oxford thương yêu” mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc: hạnh phúc mỗi khi Kim và Fernando quất quýt bên nhau, cùng đi hái nấm, lượm thông trong rừng, nơi có dòng suối êm đềm với đá cuội đủ màu như những viên kẹo; tôi tủm tỉm cười một mình mỗi khi Fernando ra lệnh cho Kim, trêu chọc Kim tức điên, rồi lại ân cần chăm sóc và nâng niu cô; xen vào đó là những nuối tiếc khi khoảng cách địa lý đang ngăn trở hai người, những giận hờn, ghen tuôn tưởng chừng khiến tình cảm của cả hai rạn nứt; rồi niềm vui sướng vỡ òa khi cặp đôi này được đoàn tụ.
Thông qua Kim, “Oxford thương yêu” lồng ghép những suy nghĩ của tác giả về cuộc sống của du học sinh Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nghẹn lòng khi thấy người Việt mình bị phân biệt trên đất khách, nhưng xót xa hơn khi biết chúng ta bị kỳ thị ngay chính bởi đồng hương của mình. Tôi hãnh diện vì Kim đã cho những giáo sư tại Oxford thấy người Việt Nam cũng chẳng kém ai. “Đến từ những nước nhỏ thì chỉ có một con đường là nỗ lực để đừng bị người ta xem thường”. Tôi ngưỡng mộ thành công của Kim, ngưỡng mộ những nỗ lực mà cô ấy đã bỏ ra.
Mỗi khi đọc “Oxford thương yêu” là mỗi lần tôi tìm thấy những điều mới mẻ khác như một chốn yêu thương để trở về giữa bộn bề cuộc sống!
Nguyễn Thị Minh Khuê
